Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Tóm tắt các đề tài đạt giải



Đề tài

Nghiên cứu mức độ vận dụng kiến  thức chuyên ngành kế toán kiểm toán vào công việc thực tế sau khi ra trường của sinh viên Đại học Mở Thành Phố Hồ Chí Minh.















Mục đích nghiên cứu
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế đòi hỏi một tiêu chuẩn cao hơn đối với nguồn nhân lực trẻ thuộc khối ngành kinh tế Việt Nam hiện là một vấn đề cần sự quan tâm của xã hội. Tuy nhiên, để “đạt tiêu chuẩn” là một phạm trù khó định nghĩa và không nhất quán.
Chất lượng giáo dục đại học là mối quan tâm cả hai phía nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, sinh viên tốt nghiệp đại học có chỗ đứng gì trong xã hội và kiến thức được dạy trong nhà trường được áp dụng ra sao, hệ thống giáo dục bậc đại học có giúp gì cho sự phát triển kinh tế đất nước hay không… vẫn chưa được trả lời một cách thỏa đáng. Ngoài ra, tỷ lệ sinh viên đại học ra trường làm đúng chuyên ngành được đào tạo là bao nhiêu, vả  họ có thể thích ứng kịp thời với vốn kiến thức đã học vào thực tế chưa,  hay là cần phải được đào tạo thêm?
Để tránh sự lãng phí trong chi phí đào tạo chuyên môn nhưng không được sử dụng hiệu quả, lãng phí thời gian, tiền bạc của người đi học nhưng lại không có điều kiện phát huy kiến thức đã học, lãng phí nguồn lực của gia đình và xã hội… cùng với rất nhiều điều còn bất cập, nhóm nghiên cứu quyết định chọn đề tài “Đánh giá mức độ vận dụng kiến thức chuyên môn ngành kế toán - kiểm toán vào công việc thực tế sau khi ra trường của sinh viên Đại học Mở Thành Phố Hồ Chí Minh”, qua đó phần nào góp sức cùng nhà trường, sinh viên có chương trình và phương pháp dạy và học thích hợp để đáp ứng cho thị trường lao động, phát huy nguồn nội lực nhân lực trẻ.
Kết quả của đề tài này sẽ góp phần giúp chúng ta (người đào tạo, người học và người sử dụng) có cái nhìn đúng đắn về chất lượng đào tạo kế toán – kiểm toán, đồng thời thỏa mãn nhu cầu của 3 đối tượng: nhu cầu của nhà nước về cán bộ quản lý nhà nước trong các ngành, nhu cầu của người học để có được kiến thức và trình độ nhằm có được việc làm, nhu cầu của các doanh nghiệp trong việc sử dụng người lao động sau khi tốt nghiệp.
Nghiên cứu này nhằm :
  • Tìm hiểu và kiểm tra mối quan hệ giữa kiến thức nhà trường và thực tế vận dụng của sinh viên sau khi ra trường làm ở các ngành nghề khác nhau.
  • Đánh giá mức độ vận dụng kiến thức chuyên ngành kế toán - kiểm toán vào công việc.
  • Xác định các nhân tố chính tác động đến mức độ vận dụng kiến thức chuyên môn vào công việc của sinh viên kha kế toán – kiểm toán.
  • Đưa ra các gợi ý đến việc cải thiện chương trình học tập, môi trường học tập và cung cấp thông tin nhằm nâng cao chất lượng trong công tác giảng dạy của giảng viên, công tác quản lý của nhà trường, và cách thức nắm bắt kiến thức của sinh viên để vận dụng vào thực tế cho phù hợp.
  • Rút ngắn khoảng cách kỳ vọng của xã hội và thực tế.
Phương pháp nghiên cứu
Với nội dung  nghiên cứu và  mục tiêu cần đạt được trong đề tài này, người nghiên cứu cần sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính.
Cụ thể các bước được tiến hành như sau:
Bước 1: Tổng quan lý thuyết về chuẩn đầu ra cho ngành đào tạo, trên cơ sở hệ thống các chuẩn mực trên thế giới và chuẩn mực của trường Đại học Mở TP.HCM.
Bước 2: Khảo sát thực tế khả năng đáp ứng của các sinh viên đã tốt nghiệp trong môi trường làm việc cụ thể (thông qua phỏng vấn đối tượng nghiên cứu - điều tra định tính).
Bước 3: Khảo sát lại thực tế nhằm khẳng định mức độ vận dụng kiến thức chuyên ngành và tìm ra nhân tố tác động chính.
 
Quy trình nghiên cứu
Nghiên cứu được tiến hành theo quy trình cụ thể sau:
 
BƯỚC 1
Xác định nội dung nghiên cứu
Nghiên cứu mức độ vận dụng kiến thức chuyên ngành Kế Toán- Kiểm Toán vào công việc thực tế sau khi ra trường của sinh viên khoa Kế Toán- Kiểm Toán trường Đại Học Mở, Tp Hồ Chí Minh
BƯỚC 2
Nghiên cứu định tính
Hệ thống lý thuyết
Khảo sát thực tế dữ kiệu định tính
Phân tích định tính dữ liệu
BƯỚC 3
Kết luận
Viết báo cáo
Trình bày kết quả nghiên cứu

 
Đề xuất và kết luận
Sau cuộc nghiên cứu, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, mức độ áp dụng kiến thức chuyên ngành vào công việc thực tế của sinh viên có thâm niên dưới 1 năm là thấp hơn nhiều so với mức độ áp dụng kiến thức chuyên ngành vào công việc thực tế của sinh viên có thâm niên niên từ 1 đến 3 năm.
Điều này cho thấy giáo trình chưa cập nhật thường xuyên và đầy đủ với thay đổi từ yêu cầu của người sử dụng lao động. Nhà trường cần có một đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm trong công việc thực tế, chuyên thiết kế và hướng dẫn sinh viên thực hành các bài tập lớn mô phỏng theo mô hình công việc thực tế ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp thương mại dịch vụ, ngân hàng, mà theo đó sinh viên sẽ đóng các vai trò kế toán khác nhau: kế toán nguyên vật liệu, kế toán tài sản,  kế toán công nợ, kế toán tổng hợp, kế toán lương, kế toán ngân hàng… giúp cho sinh viên có cái nhìn tổng thể hơn về một tổ chức và hình dung được vai trò cũng như những công việc cụ thể phải làm sau khi ra trường. Để tăng tính khả thi của đề xuất, nên áp dụng bài tập lớn này vào thời gian hè và dành cho sinh năm 2, năm 3.
Giảng viên giúp sinh viên nhận thức rằng, nghề kế toán- kiểm toán không chỉ đơn thuần là tính toán những con số mà phải biết được ý nghĩa đằng sau của những con số, điều này là không hề dễ dàng. Giảng viên cần dạy sinh viên cách tư duy tổng thể, mang tính quản trị nhiều hơn.
Mặt khác, điều quan trọng là sinh viên phải tự chủ động tìm hiểu sự thay đổi của chuẩn mực, thông tư, nghị định,các yêu cầu trong công việc thực tế, các yêu cầu về kỹ năng và thái độ của công việc thực tế, biết sử dụng linh hoạt những kiến thức được học với sự thay đổi thường xuyên của công việc.
  
Bên cạnh những đạt được, nghiên cứu còn tồn tại những hạn chế:
  • Chưa xây dựng được thang đo cho khái niệm “mức độ vận dụng kiến thức chuyên ngành” – nguyên nhân do nhóm nghiên cứu chưa tiếp cận được với những công trình nghiên cứu trong cùng lĩnh vực, do đo kiến thức nền tảng chưa khảo sát được.
  • Kết quả nghiên cứu chưa có ý nghĩa cao trong thực tế - nguyên nhân do khảo sát mẫu nhỏ, do thời gian và kinh phí hạn hẹp.
Hướng nghiên cứu tiếp theo:
Tiếp tục tìm kiếm cơ sở lý thuyết (kiến thức nền) nhằm thực hiện triệt để nghiên cứu hiện tại – mục tiêu là xây dựng được mô hình và hệ thống thang đo cho khái niệm “mức độ vận dụng kiến thức chuyên ngành” cho một ngành đào tạo cụ thể.

Nhóm tác giả: Lê Thị Giáng Hương, Vũ Thị Lan Hương và Lê Thị Tú Anh
(Giải ba cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học 2011-2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét