ĐỀ TÀI
Nghiên cứu thực nghiệm về sự lựa chọn chính sách kế
toán chênh lệch tỷ giá hối đoái ở Việt Nam.
Ý nghĩa của đề tài
Trong công cuộc đổi mới và hội nhập, nền kinh tế nước ta đã
không ngừng phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có nhiều hơn các hoạt
động giao dịch với nước ngoài, nhằm khẳng định vị trí của mình cũng như thúc đẩy
quá trình hội nhập và nâng cao hiệu quả SXKD. Các hoạt động ở nước ngoài đã làm
nảy sinh các giao dịch bằng ngoại tệ ảnh
hưởng đến việc lập và chuyển đổi báo cáo tài chính. Để đáp ứng tình hình trên nhằm cung cấp một Báo cáo tài
chính trung thực, đầy đủ, khách quan, kip thời… Bộ Tài Chính đã ban hành chuẩn
mực số 10- Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái (gọi tắt là VAS 10) vào
năm 2002, nhằm xác định các nguyên tắc và phương pháp kế toán những ảnh hưởng
do thay đổi tỷ giá hối đoái. VAS 10 phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế nên
được sự đánh giá cao của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư vì giúp phản ảnh
trung thực tình hình tài chính và kinh doanh của doanh nghiệp theo thông lệ quốc
tế.
Tuy nhiên năm 2009, Bộ Tài chính ban hành Thông tư
201/2009/TT-BTC hướng dẫn một phương pháp xử lý khác đối với chênh lệch tỷ giá
hối đoái. Điều đáng lưu ý là thông tư này không quy định việc ngừng áp dụng VAS
10 nên được hiểu như một sự cho phép lựa chọn giữa hai văn bản trong xử lý vấn
đề chênh lệch tỷ giá.
Chính vì cùng một vấn đề mà có nhiều văn bản đưa ra để xử lý
nên một thực trạng hiện nay là các doanh nghiệp Việt Nam đang đi theo hai cách
hạch toán khác nhau về “chênh lệch tỷ giá hối đoái”. Nhiều tranh luận đã diễn
ra trên các diễn đàn và những ý kiến khác nhau đã được đưa ra gây bối rối cho
các bên liên quan: doanh nghiệp, nhà đầu tư, ngân hàng, kiểm toán viên và kể cả
những sinh viên nghiên cứu về kế toán. Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu định
lượng nào được tiến hành để trả lời các câu hỏi như:
- Thực sự cách xử lý nào được chọn phổ biến hơn tại các doanh
nghiệp Việt Nam?
- Nhân tố nào ảnh hưởng đến quyết định của các doanh nghiệp
trong việc lựa chọn?
- Tác động của sự lựa chọn đến báo cáo tài chính của các doanh
nghiệp?
- Các doanh nghiệp có thuyết minh đầy đủ về sự khác biệt giữa hai chính sách kế toán và các nhân tố nào tác động đến việc thuyết minh hay không thuyết minh của doanh nghiệp.
Mục đích đề tài
- Về mặt khoa học, đề tài mong muốn cung cấp bằng chứng thực
nghiệm về các nhân tố tác động đến sự lựa chọn chính sách kế toán và thuyết
minh sự khác biệt về chính sách kế toán chênh lệch tỷ giá hối đoái của doanh
nghiệp; qua đó đóng góp vào việc phát triển lý thuyết kế toán thực chứng tại Việt
Nam.
- Về mặt thực tiễn, đề tài hy vọng sẽ cung cấp những dữ liệu
cho các nhà hoạch định chính sách về thực trạng áp dụng chính sách kế toán về
chênh lệch tỷ giá tại Việt Nam; từ đó đưa ra những gợi ý về việc hoàn thiện các
chính sách này trong tương lai. Các thông tin trên cũng hữu ích cho những nhà đầu
tư, chuyên gia phân tích tài chính khi xem xét báo cáo tài chính của doanh nghiệp
Việt Nam.
Phạm vi và đối tượng nghiên cứu
Đề tài tập trung nghiên cứu việc xử lý chênh lệch tỷ giá của
các công ty có giao dịch cổ phiếu đã niêm yết và chưa niêm yết. Số liệu chủ yếu
được thu thập từ báo cáo tài chính hợp nhất năm 2010 đã kiểm toán của các công
ty. Số lượng quan sát bao gồm 125 doanh nghiệp được lựa chọn ngẫu nhiên trên
các sàn giao dịch HSX, HNX và UpCOM.
Phương pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp để
tìm hiểu và hệ thống hóa những nghiên cứu trên thế giới về sự lựa chọn chính
sách kế toán, cũng như các quy định kế toán tại Việt Nam liên quan đến tỷ giá hối
đoái.
Trong phần nghiên cứu thực nghiệm, đề tài sử dụng các phương
pháp phân tích định lượng bao gồm:
- Phương pháp thống kê mô tả để phân tích tổng quát về tình
hình lựa chọn và áp dụng chính sách kế toán về chênh lệch tỷ giá hối đoái của
các doanh nghiệp cũng như tác động của dữ liệu này đến báo cáo tài chính doanh
nghiệp.
- Phương pháp kiểm định tham số và phi tham số nhằm đánh giá
tác động của các nhân tố đến sự lựa chọn chính sách kế toán của doanh nghiệp.
Kết quả nghiên cứu
Vấn đề lựa chọn chính sách kế toán
Kết quả thống kê mô tả cho thấy trong 125 công ty được khảo
sát có 54 công ty áp dụng VAS 10 (chiếm 43%) và 71 công ty áp dụng TT 201
(57%). Tình hình chung trên cả ba sàn, TT 201 đều chiếm ưu thế. Tuy nhiên, sàn
UPCOM cho thấy một ưu thế hơn hẳn về sự lựa chọn TT 201.
Trong cả 2 phương pháp kiểm định tham số và phi tham số, hai
biến chênh lệch tỷ giá đánh giá lại và quy mô cho thấy có tương
quan với sự lựa chọn chính sách kế toán. Biến về đòn bẩy tài chính không
có sự khác biệt có ý nghĩa.
Kết quả kiểm định Chi bình phương cho thấy tất cả bốn biến định
tính đều không có khác biệt có ý nghĩa: Công ty kiểm toán, Nguồn gốc doanh nghiệp
nhà nước, doanh thu xuất khẩu và vay ngoại tệ.
Các kết quả trên
cho thấy việc lựa chọn chính sách kế toán của doanh nghiệp chủ yếu nhằm mục
đích tránh tác động của biến động tỷ giá đến kết quả kinh doanh và thuận lợi về
báo cáo thuế. Các công ty quy mô lớn có khuynh hướng nghiêng về lựa chọn chuẩn
mực kế toán thay vì TT 201.
Vấn đề thuyết minh về sự khác biệt
Kết quả khảo sát 125 công ty, cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp
thuyết minh về sự khác biệt khá thấp, chỉ có 22% so với 78% không thuyết minh. Đi
vào chi tiết, có thể thấy sàn HSX có mức thuyết minh cao nhất, sàn HNX và sàn
UPCOM có mức thuyết minh thấp hơn.
Trong phương pháp kiểm định tham số, chỉ có biến tác động của
chênh lệch tỷ giá đánh giá lại (CLTG) cho thấy có tương quan với việc thuyết
minh.
Trong phương pháp kiểm định phi tham số, chỉ có biến quy mô (QMCT)
cho thấy có tương quan với việc thuyết minh.
Kết quả kiểm định Chi bình phương cho thấy có một biến định
tính có khác biệt có ý nghĩa là biến Công ty kiểm toán (CTKT). Biến doanh thu
xuất khẩu không có ý nghĩa.
Các kết quả trên cho thấy việc thuyết minh về sự khác
biệt giữa hai chính sách kế toán ảnh hưởng đến báo cáo tài chính chủ yếu do hai
nhân tố là công ty kiểm toán (CTKT) và vay ngoại tệ (VNTE) tác động. Nhân tố doanh
thu xuất khẩu (DTXK) không có khác biệt ý nghĩa.
Đánh giá chung
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy những vấn đề cần lưu
ý sau đây trong việc quản lý và phát triển lĩnh vực kế toán và kiểm toán.
Ảnh hưởng tiêu cực của việc duy trì hai chính sách kế toán
cho cùng một vấn đề xử lý chênh lệch tỷ giá.
- Một trong những yêu cầu quan trọng của chất lượng thông tin
trên báo cáo tài chính là khả năng so sánh được. Khi khả năng này bị hạn chế,
người sử dụng khó có thể ra quyết định kinh tế đúng đắn dựa vào thông tin trên
báo cáo tài chính. Điều này đặc biệt quan trọng đối với việc duy trì và phát
triển thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung. Thông tư 201 tạo ra một sự lựa chọn làm mất tính so sánh của
báo cáo tài chính. Kết quả khảo sát cho thấy:
- Một tỷ lệ vượt trội trong việc lựa chọn Thông tư 201 so với
VAS 10. Trong 125 công ty lựa chọn ngẫu nhiên có đến 71 công ty áp dụng TT 201
(tỷ lệ 57%) so với 54 công ty chọn VAS 10 (tỷ lệ 43%).
- Các ảnh hưởng đáng ghi nhận đến lợi nhuận do sự lựa chọn
chính sách kế toán này. Bảng 3.1 cho thấy
có gần 15% doanh nghiệp được khảo sát có tỷ lệ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại
chiếm trên 5% lợi nhuận và gẩn 5% có tỷ lệ này hơn 10%. Cá biệt có 2 doanh nghiệp
có tỷ lệ này hơn 30% lợi nhuận.
Sự thỏa hiệp của công ty kiểm toán, ngay cả các công ty Big4
đối với các chính sách kế toán không đảm bảo tính trung thực và hợp lý của báo
cáo tài chính.
- Kết quả khảo sát cho thấy các công ty kiểm toán không có tác
động đến việc lựa chọn chính sách kế toán của doanh nghiệp, ngay cả các công ty
Big4, mặc dù họ biết rằng cách xử lý theo Thông tư 201 trái với khuôn mẫu lý
thuyết chung về kế toán và không phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế.
- Việc thuyết minh về sự khác biệt giữa hai chính sách có thể
làm giảm rủi ro cho công ty kiểm toán nhưng không thể biện minh cho việc chấp
nhận những chính sách kế toán trái ngược nhau cho cùng một ý kiến kiểm toán.
- Vai trò giám sát của ngân hàng đối với tài chính của doanh
nghiệp.Kết quả nghiên cứu không tìm thấy mối quan hệ giữa đòn bẩy
tài chính và sự lựa chọn chính sách kế toán cũng như vấn đề thuyết minh; hàm
nghĩa việc quyết định chính sách kế toán không quan tâm đến sự đánh giá hoặc
giám sát của ngân hàng. Điều này có thể giải thích bằng sự thiếu quan tâm của
ngân hàng đến báo cáo tài chính khi chuẩn bị cho vay và sau khi đã cho vay.
Nhìn chung, kết quả thực nghiệm cho bằng chứng về việc
người quản lý lựa chọn chính sách kế toán và quyết định thuyết minh những khác
biệt dựa trên lợi ích của mình. Các lợi ích này gắn với sự thận trọng trong việc
hạn chế tác động của tỷ giá đến kết quả kinh doanh và tránh được các trách nhiệm
pháp lý. Các công ty kiểm toán lớn thỏa hiệp với khách hàng để không mất khách
hàng nhưng yêu cầu thuyết minh để tránh rủi ro. Sự thuận lợi về quyết toán thuế
cũng là một nguyên nhân có thể.
Nghiên cứu cho kết quả phù hợp với các nghiên cứu trước đó,
đặc biệt là của Iatridis et al. (2005). Nó cung cấp bằng chứng ủng hộ cho lý
thuyết ủy nhiệm trong giải thích động cơ của người quản lý trong lựa chọn chính
sách kề toán.
Các gợi ý từ kết quả nghiên cứu
- Cần sớm bãi bỏ Thông tư 201.
- Tăng cường việc giám sát chất lượng của công ty kiểm toán, đặc
biệt là vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
- Tăng cường công tác đào tạo về tài chính cho cán bộ ngân
hàng.
Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Xuân Kiều và Phú Thị Yangiem
(Giải nhất cuộc thi Nghiên cứu Khoa học sinh viên 2011 - 2012)